Nhiều vụ việc đau lòng do mẹ trầm cảm sau sinh đã từng xảy ra; hậu quả lại càng nghiêm trọng hơn khi người mẹ bị trầm cảm gây thương tích/cái chết cho chính mình và đứa con của mình. Mới đây nhất là vụ án đầy thương tâm và xót xa của 3 mẹ con nữ giáo viên ở Thái Bình, nguyên nhân có thể là do người mẹ đã bị stress, trầm cảm trong thời gian dài mà không được phát hiện kịp thời.
Sau sinh, phụ nữ ở trong giai đoạn nhạy cảm và đối mặt với rất nhiều nguy cơ gây nên trầm cảm. Những thay đổi nhanh chóng về hocmon, vai trò trong gia đình; hoặc những bất ổn trong cuộc sống, khó khăn về kinh tế; có thai ngoài ý muốn, thiếu sự sẻ chia, quan tâm của chồng ... là các yếu tố thúc đầy trầm cảm. Tại Việt Nam, yếu tố mâu thuẫn trong cách chăm sóc trẻ giữa các thành viên trong gia đình. Trẻ sinh non, trẻ có bệnh, trẻ quấy khóc nhiều làm người mẹ quá vất vả…Phần lớn bệnh nhân trầm cảm chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Vấn đề khó khăn khác là điều trị trầm cảm cần phải kéo dài.
Nếu mắc phải các dấu hiệu trầm cảm điển hình sau đây thì người mẹ cần được đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh:
- Tiêu cực về mặt cảm xúc, dễ bùng nổ; hoặc buồn bã hầu như cả ngày. Rất mau nước mắt, và thỉnh thoảng lại khóc mà chẳng rõ lý do.
- Lo lắng quá mức với các biểu hiện bồn chồn, bất an, những thứ nhỏ nhặt lại trở nên nghiêm trọng, người mẹ có cảm giác thất bại trong vai trò làm mẹ.
- Mất hứng thú với cuộc sống: chán ăn hoặc ăn uống mất kiểm soát, cảm giác kiệt sức và mất năng lượng. Một số trường hợp bị trầm cảm lại thấy suy giảm nhu cầu về tình dục, khiến họ chán ghét bạn đời.
- Thu rút và từ chối các giao tiếp xã hội, chỉ muốn thu mình trong nhà, tự cô lập bản thân, ngại tiếp xúc với mọi người. Người mẹ thường cảm thấy khó khăn hơn để đi ra ngoài hoặc giữ liên lạc với bạn bè khi có em bé.
- Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ kéo dài, khó đi vào giấc ngủ là triệu chứng trầm cảm rõ rệt nhất. Các hormone gây ức chế thần kinh có thể gây ra chứng đau đầu kéo dài.
- Giảm hiệu suất làm việc, giảm trí nhớ và kém tập trung. Cảm thấy thật khó để mà tập trung vào công việc cũng như khó tự kiểm soát mình hoặc một công việc đơn giản nào đó.
- Không cảm thấy hạnh phúc: người mẹ không còn nhớ được cảm giác hạnh phúc là gì và lần cuối cảm thấy hạnh phúc là từ bao giờ.
- Mất niềm tin: người mẹ cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống. Thường bắt đầu sử dụng rượu hay thuốc an thần để xoa dịu sự tuyệt vọng.
Nguy hiểm nhất là khi người bệnh có ý định tự sát để giải thoát cuộc sống. Nếu người mẹ có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ hoặc nghiêm trọng hơn là có 1 ý tưởng “sát nhi”; hoặc ý tưởng tự sát cả mẹ lẫn con, đây là điều hết sức cấp bách trong việc bệnh nhân cần được cấp cứu về tâm thần, cần can thiệp y khoa khẩn cấp hơn bao giờ hết.
Để tầm soát được vấn đề trầm cảm nói chung và ở mẹ sau sinh nói riêng. Bạn hoặc người thân có thể kiểm tra về rối loạn lo âu, trầm cảm bằng cách thực hiện trắc nghiệm tại https://grapsy.vn/benh-nhan/. Với bài trắc nghiệm này, chuyên gia sẽ chỉ ra mức độ rối loạn lo âu và trầm cảm, từ đó giúp bạn có bước chuẩn bị tốt hơn để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Lê Thị Hồng Hạnh (Công ty EGIS Pharmaceuticals PLC Hungary